Thưa quý Anh Chị em trong Chúa Ki-tô,
Chúng ta đã kết thúc Năm thánh của Giáo phận trong dịp mừng kỷ niệm 40 năm. Chúng ta cũng đã kết thúc Năm Thánh Giu-se, được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô quan phòng công bố trước đây và cũng phù hợp với thời gian Năm thánh của Giáo phận.
- Năm thánh trong thời gian Đại dịch
Trong khi mọi tổ chức mừng năm thánh trong thời gian đại dịch bị giới hạn, chúng ta cũng đã mừng năm thánh trong mọi khả năng. Một số người tham dự trực tiếp, một số khác tham dự trên mạng, và một số khác đọc thấy, còn một số khác đã nghe người khác kể lại. Điều quan trọng là chúng ta đã tạ ơn Chúa vì đã sống qua 40 năm Đức tin và Mục vụ trong Giáo phận San José. Chúng ta nhớ lại một quá khứ huy hoàng và phong phú, nhất là qua ấn bản lưu niệm đặc biệt của Bản tin The Valley Catholic (Bản tin Công giáo Miền Thung Lũng), chúng ta ghi nhận sắc thái đa văn hóa trong hiện tại, và “cùng đồng hành trong hy vọng” cùng với lòng ước vọng nghĩ đến tương lai.
Tôi hết lòng cám ơn Cha Đinh Hảo và Ban Năm thánh trong việc chuẩn bị, sắp đặt kết hoạch và thi hành các chương trình mừng Năm thánh trong năm. Họ đã phải đương đầu với những khó khăn do bệnh dịch gây ra và thích nghi với hoàn cảnh một cách khéo léo và hân hoan.
- Con Đường Trước mặt
Và bây giờ, sau khi đã mừng Năm thánh với 40 năm sống trong Đức tin và thi hành Mục vụ – giữa những khó khăn do bệnh dịch mang đến – nhìều người sẽ đương nhiên tự hỏi: “bây giờ thì sao?” Chúng ta sẽ cùng nhau chia xẻ những ân huệ và những kỷ niệm này để buớc vào một giai đoạn mới mà Chúa đang dành cho chúng ta năm nay, thật ra là trong 10 năm sắp tới!
- Chuẩn bị cho Dịp Kỷ Niệm 50 Năm
Trong dịp Hội ngộ mùa Thu của các Linh mục vào tháng 9, tôi có kêu gọi các linh mục thử nghĩ xem Giáo phận San José của chúng ta sẽ như thế nào trong 10 năm sau. Chúa muốn chúng ta làm gì trong 10 năm sắp tới? Làm sao để chúng ta: các giáo xứ, các trường học, các tổ chức, các hội đoàn, và các hoạt động mục vụ khác có thể mang Tin mừng của Chúa đến cho nhiều người hơn?
- Bắt Đầu bằng Cầu Nguyện
Để bắt đẩu việc chuẩn bị cho chúng ta và cho Giáo phận trong dịp mừng Năm thánh kỷ niệm 50 năm, tôi xin mời gọi mọi người – giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ – tham dự một năm cầu nguyện để cầu xin Chúa Thánh Thần trong tiến trình suy tư của mình. Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ban thêm sức mạnh, và hướng dẫn Giáo Hội, nên chúng ta cần cầu nguyện và lắng nghe những thúc giục của Chúa Thánh Linh để Giáo phận chúng ta buớc vào một cuộc hành trình Đức tin “đầy xa xưa nhưng cũng đầy mới mẻ.” Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô có nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên. Trong tâm tình cầu nguyện mà chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn và chuẩn bị “đôi tai thiêng liêng” để có thể nghe tiếng Người và đáp trả bằng tất cả sự can đảm, lòng mong ước, bằng Đức tin và lòng nhiệt thành.
Chúng ta còn nhớ Ông Abraham xưa, tuy tuổi đã cao, đã vâng theo tiếng Chúa và bỏ quê hương để lên đường đến một nơi theo tiếng gọi của Chúa. Ông Abraham đã không ngần ngại từ bỏ ý riêng và hoàn toàn nghe theo tiếng Chúa vì Ông đặt tin tưởng nơi Chúa. Và Chúa đã tỏ ra là Đấng đầy trung tín, mặc dầu lòng tin của Ông Abraham đã bị thử thách đến tận cùng.
Chúng ta cũng còn nhớ đến Ông Môi-sen được Chúa kêu gọi và trở nên nhiệt thành khi nhìn thấy ngọn lửa trong bụi gai. Ông Môi-sen không những hiểu được sự thánh thiện và bí ẩn của bụi gai trong ngọn lửa, mà còn được thúc đây để đi vào một sứ mệnh mới: sứ mệnh giải cứu dân Ngài, “Ta đã nhìn thấy những thống khổ của dân Ta trong đất Ai Cập và đã nghe thấy tiếng kêu khóc của chúng,,,” Chúa phán cùng Ông Môi-sen.
Chúng ta cũng được mời gọi để chứng kiến và để nghe. Nghe thấy tiếng Chúa qua dân Ngài, không phải ở Ai Cập, nhưng ở miền Thung lũng Silicon, miền Thung lũng Santa Clara này, không phải 4000 năm trước nhưng hôm nay và tại đây. Có hai sự kiện sắp xảy ra và là cơ hội cho các thành phần dân Chúa để gặp gỡ và nghe tiếng Chúa phán cùng dân Ngài tại đây và hôm nay: Thượng Hội Đồng thế giới do Đức Giáo Hoàng triệu tập và Hội Nghị chung của Giáo phận của chúng ta.
- Hội Nghị Chung: Một Phương Cách để Gặp Gỡ, Lắng Nghe, và Suy Tư.
Hội Nghị Là Gì? Hội nghị là một cuộc quy tụ và gặp gỡ trong Giáo Hội, để tìm ra Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta thế nào vào một thời điểm nào đó trong lịch sử. Một hội nghị thường có những vai trò cố vấn hay tham khảo khác nhau và trải qua một tiến trình dài mấy tháng hoặc lâu hơn. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã đưa ra những hướng dẫn về tiến trình của Hội nghị: Gặp gỡ nhau như anh chị em, để lắng nghe với tất cả tâm tình, rồi cùng suy tư để xem Chúa Thánh Linh muốn hướng dẫn chúng ta thế nào qua những gặp gỡ, những thổ lộ, và những kinh nghiệm này.
Hội nghị Thế giới Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã kêu gọi một hội nghị thế giới với sự than dự của các thành phần địa phương và khắp thế giới. Giáo phận San José của chúng ta sẽ tham dự Hội nghị thế giới vào mùa Xuân năm 2022. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã đưa ra hai vấn đề căn bản để hướng dẫn Hội nghị về Đồng Hành (Synod on Synodality) hay cùng đồng hành. Làm thế nào để cho việc đồng hành này được thực hiện trên nhiều giai cấp khác nhau (ở các địa phương cũng như ở khắp thế giới) để cho Giáo Hội rao truyển Phúc âm? Và “vào giai đoạn nào Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta gia tăng khả năng của một Giáo Hội theo hội nghị?” Tôi đã chỉ định một Phối trí viên của Giáo phận trong nỗ lực quan trọng này nhằm chuẩn bị cho việc gặp gỡ, lắng nghe, và suy tư. Vào đầu mùa Xuân năn 2022, sẽ có những thông báo rõ rệt hơn về việc gặp gỡ và lắng nghe được đăng trong các Bản tin Giáo xứ, trên trang điện toán của Giáo phận, và trên các trang mạng xã hội của chúng ta.
Hội Nghị chung của Giáo phận: Không những chúng ta sẽ tham dự Hội nghị thế giới của Giáo Hội trong vài tháng sắp tới, nhưng để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận, tôi xin mời gọi mọi người – giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ – tham gia Hội nghị của Giáo phận lần đầu tiên, sẽ diễn ra vào mùa Vọng năm 2022. Trong Hội nghị này, tôi sẽ mời gọi mọi người suy tư về câu hỏi “Giáo phận San José của chúng ta phải như thế nào trong 10 năm sau trong vai trò sống và truyền bá Phúc âm của Chúa Giê-su một cách hữu hiệu trong miền Thung lũng Silicon này? Và hơn nữa, chúng ta phải thay đổi thế nào để được trung thành với sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô? Chúng ta phải dựa vào những khả năng và sức mạnh gì? Chúng ta phải vượt qua những trở ngại gì? Chúng ta có cần vưọt ra khỏi những sinh hoạt mục vụ cũ và thực hiện những sinh hoạt mới không? Đây chỉ là những câu hỏi tổng quát, và tôi tin chắc rằng, với lời cầu nguyện sốt sắng, sẽ có những ý tưởng rộng rãi và linh động hơn. Chúng ta sẽ phổ biến những ý tưởng ấy và cùng nhau tìm hiểu ý Chúa Thánh Thần, qua những góp ý của nhiều người.
Hội nghị chung của Giáo phận không chỉ là một tiến trình đơn giản. Đó là lý do tại sao tôi xin chúng ta cầu nguyện trong một năm để chuẩn bị cho Hội nghị này, để cho lòng trí chúng ta được mở ra theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh.
- Năm 2031 và Đức Mẹ Guadalupe
Trong một năm cầu nguyện, tôi cũng xin mời gọi tất cả chúng ta suy nghĩ về biến cố kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Giáo phận của chúng ta cũng trùng vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày Đức Mẹ hiện ra ở vùng đất mà ngày nay gọi là Mexico City. Trong những lần hiện ra ấy, Đức Mẹ đã đưa ra một khuôn mẫu về điều mà nay chúng ta gọi là “tân phúc âm hóa,” cũng là điều quan trọng để chúng ta nhớ trong khi chúng ta nhìn về tương lai của Giáo phận.
Nhiều người trong Anh Chị em đã biết về sự kiện, hoàn cảnh, và những gì liên quan đến việc Đức Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego vào năm 1531. Nói một cách vắn tắt, chỉ hơn một thập niên kể từ khi người Tây Ban Nha đến miền đất mới (New World) mà nay ta gọi là Mexico. Các vị giáo sĩ cũng cùng đến với những người đi thám hiểm rồi dần dần họ truyền Đạo theo phương cách thời bấy giờ. Cho đến thời gian Đức Mẹ hiện ra vào năm 1531 thì việc truyền Đạo cho những người bản xứ chỉ nằm trong một phạm vi giới hạn.
Đức Mẹ đã dùng những phương thế mới để đưa Đức tin đến cho người bản xứ. Trước hết, Người đã dùng tiếng địa phương, tìếng Nahuatl, để nói chuyện với Juan Diego. Kiểu áo và khăn choàng ngoài của Đức Mẹ có in những ký tự do người bản xứ xử dụng, do đó những điều Ngài nói và bộc lộ thật là rõ ràng đối với người bản xứ. Lời Người nói với Juan Diego như lời của mẹ hiền, lại còn có cả âm nhạc và tiếng chim vọng ra. Cả phong cảnh cho ta thấy một lòng kính trọng, bình an, và hân hoan vì Đức Mẹ mang sứ điệp Phúc âm. Khi Ngài đến viếng Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói lên: “Thật không ai có thể đứng ra ngoài Đền thánh của linh đài Đức Mẹ, linh đài của đời sống, của cộng đồng, của xã hội và văn hoá của chúng ta.”
Đức Mẹ đã xin dựng một ngôi nhà thờ ở trên ngọn đồi nơi Ngài hiện ra với Juan Diego, người đàn ông 57 tuổi đã có gia đình. Nhưng khi Đức Mẹ yêu cầu Juan chuyển lời cho Đức Giám mục địa phương, Juan đã từ chối, vì ông chỉ là một người bình dân không học thức và chắc rằng Đức Giám mục sẽ không nghe lời ông. Tuy nhiên, Đức Mẹ đã cương quyết bảo ông: “Con phải trình bày với Đức Giám mục.” Đức Mẹ đã có thể hiện ra với Đức Giám mục hoặc có thể chọn một người nào khác hiểu biết hơn để chuyển lời cho Đức Giám mục. Đức Mẹ đã cho thấy rằng mỗi người chúng ta, bất kể là học vấn, kiến thức hay địa vị trong xã hội thế nào, đều phải tham gia vào sứ mệnh truyền giáo.
Sau khi Đức Giám mục nghe và tin những lời Juan kể lại từ Đức Mẹ Guadalupe và tôn kính hình ảnh của Đức Mẹ để lại trên áo của Ông Juan Diego, Ông đã thực sự trở nên một người thầy giảng, một người truyền giáo cho cả bộ lạc của ông khi ông kể lại cho họ nghe những lời Đức Mẹ nói với ông và sứ điệp tình thương, lòng nhân hậu và mẫu tử của Người qua Con của Mẹ và xin mọi người thờ kính một Đấng Thiên Chúa thật sự. Từ đó hàng triệu người đã tìm được Đức tin nhờ một nhân chứng trong hàng ngũ của họ. Thánh Juan Diego, và sứ điệp của Đức Mẹ Maria, người đã đưa sứ điệp Phúc âm vào trong xã hội và là người đã thuyết phục được Juan Diego qua sứ điệp nhân hậu và yêu thương của Chúa Giê-su Ki-tô. Ngoài ra, Đức mẹ còn để lại hình ảnh của Người như một dấu ấn cho những người thổ dân để xác nhận sứ điệp của Mẹ dành cho Juan Diego.
Trong những thập niên gần đây, Giáo Hội đã đề cập đến việc “Tân Phúc âm hóa” là việc truyền bá Phúc âm của Chúa Giê-su Ki-tô bằng những phương tiện mới, bằng những ngôn ngữ mới, và bằng những mãnh lực mới. Đức Mẹ Maria qua Đức Mẹ Guadalupe đã đi trước những nỗ lực tân Phúc âm hóa đến 500 năm! Người đã dùng một phương thức mới, một phương thức có hiệu quả, một ngôn ngữ mới nhân hậu, trung thực, mỹ miều, và một mãnh lực làm thay đổi cuộc sống, thay đổi nhận định về chính mình và thay đổi phẩm giá của một người thổ dân nghèo kém và làm cho người ấy trở thành một người rao giảng và giáo lý viên cho chính dân tộc của mình.
Trong khi Mẹ Maria dùng đến những phương thức mới, ngôn ngữ mới, và một mãnh lực mới, Người vẫn kính trọng và duy trì mọi kiến trúc của Giáo Hội, do Chúa Giê-su thiết lập, đặc biệt là vai trò của Giám mục. Người đã muốn Juan Diego mang sứ điệp của Người đến cho các hàng phẩm trật trong Giáo Hội để mọi người, giáo sĩ và giáo dân, đều thi hành vai trò liên hệ của mình. Công việc của người giáo dân, trong khi khác biệt với công việc của người giáo sĩ, nhưng khi cùng cộng tác với nhau thì công việc nào cũng quan trọng và xứng đáng.
Do vậy, tôi xin hỏi, sau 500 năm, chúng ta học hỏi được những gì từ phương thức của Đức Mẹ? Làm thế nào chúng ta có thể rao truyền sự thật của Phúc âm trong thế kỷ 21 này ở miển Thung lũng Silicon, với tất cả lòng nhân hậu, tinh tế, và yêu thương để có thể làm rung cảm lòng người, thay đổi cuộc sống để họ nhận ra và yêu mến một Đấng Thiên Chúa thật và Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô? Hãy đưa phần này vào lời cầu nguyện của chúng ta trong năm nay.
Khi Mẹ Maria bối rối trước lời truyền tin của Sứ thần Gabriel báo tin từ Thiên Chúa rằng Người sẽ trở nên Mẹ Thiên Chúa, nhưng trong bình an và vui mừng, Người đã trả lời: “Xin vâng như lời Thiên thần trruyền.”
Xin cho chúng ta cũng chấp nhận lời mời của Chúa Thánh Thần để bước vào cuộc hành trình tham dự Hội nghị, và như Thánh Juan Diego, tham dự vào việc loan truyền sứ điệp tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô!
Chân thành trong Chúa Ki-tô,
Giám Mục Oscar Cantú